Nhà văn nổi tiếng Vương Hiểu Ba đã viết trong cuốn sách “The Silent Majority” tạm dịch là “Số đông trầm mặc” như sau: “Trở thành một người ưu tú về tư duy quan trọng hơn trở thành một người ưu tú về đạo đức”. Đọc đến đây, hẳn bạn đang rất bất bình vì sao tác giả lại nhận định như thế. Nhưng, bạn hãy nghĩ lại xem. Nếu một người có trình độ tư duy thấp, khi xảy ra sự việc, người đó thường bó buộc trong ý kiến của bản thân, bị mắc kẹt trong suy nghĩ chủ quan và đó là lý do người đó rất hiếm khi đạt được thành tựu. Ngược lại, với tư duy trình độ cao, anh ta thường xuyên hành động dũng cảm, xuất thần, cuối cùng mang vinh quang về cho bản thân, gia đình và xã hội.
Thực tế từ lâu đã minh chứng rằng những người thua cuộc hầu hết bị giới hạn trong suy nghĩ cứng nhắc của chính mình còn những người chiến thắng xuất sắc đều là những người tinh hoa về trí tuệ. Tất cả những người xuất chúng đều hội tụ đủ 3 điểm sau đây, bạn được mấy điểm nào?
Học cách mạnh mẽ và kiên cường thay vì cố tỏ vẻ mỏng manh và yếu ớt
Cho dù bạn lo lắng hôm nay lời lỗ ra sao, ở lại cam tâm chịu khổ hay chọn cách nhẫn tâm dứt áo ra đi thì tất cả đều phụ thuộc vào sự kìm chế cảm xúc cá nhân. Đừng cứ hễ bị phê bình thì mình nghỉ làm, hay mình bị sếp mắng thì nhắn tin xin thôi việc. Con người hơn nhau không phải ai xin nghỉ việc nhiều hơn, mà là ai có thể chịu đựng thất bại và khó khăn bằng một thái độ tích cực đối với cuộc sống.
Bill Gates từng nói: “Trước khi bạn thành công, hãy thôi quan tâm đến lòng tự trọng của bạn.” Đây là cách giải thích tốt nhất về vấn đề kiểm soát cảm xúc của bạn.
Những người có kiểm soát cảm xúc không tốt sẽ phóng đại những đau khổ mà họ gặp phải, còn những người kiểm soát cảm xúc tốt sẽ chọn quên chúng và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh. Thật vậy, những người đang sống rất tốt tự nhận mình không quá thông minh nhưng lại kiên cường trước những sóng gió bên ngoài, không vì thế mà dễ dàng từ bỏ ước mơ. Còn những người quá nhạy cảm có vẻ khôn ngoan, nhưng thực tế họ không đủ hiểu biết về cuộc sống, ngay cả một chút xáo trộn từ thế giới bên ngoài cũng có thể khiến họ rối tung lên và lúng túng trong cách xử lý. Bỏ qua cảm xúc tức thời của bản thân có thể giúp chúng ta chống lại tác động của thế giới bên ngoài, là màng bảo vệ chúng ta trước bão tố cuộc đời.
Khả năng trì hoãn sự hài lòng
Một thời gian trước, bạn tôi phàn nàn vì công việc không như ý muốn. Rõ ràng là anh ta có rất nhiều việc đang chờ hoàn thành, nhưng anh ấy lại không muốn làm.
Chẳng hạn, anh lên kế hoạch giảm cân và hạ quyết tâm làm điều đó. Nhưng anh nhanh chóng tuyên bố đầu hàng ngay khi thấy quầy bán kem ngon trước mặt. Anh đặt ra kế hoạch đọc 1 quyển sách hàng tháng, nhưng đọc chưa được bao lâu thì anh lại nghịch điện thoại và bỏ hẳn quyển sách đang đọc dở.
Chúng ta ai cũng thích sự hài lòng ngay lập tức. Niềm vui từ “viên kẹo bông gòn” này nhanh hơn nhiều so với tác dụng tích cực lâu dài của việc giảm cân và học tập.
Tuy nhiên, sự lười biếng bạn đã lạm dụng hôm nay sẽ là cú tát thẳng mặt bạn mai sau. Ăn nhiều bánh ngọt nhưng lại chây lười trên chiếc ghế sofa từ ngày này qua ngày khác sẽ lấy đi vóc dáng thon thả mà bạn tốn bao công tập luyện và trả cho bạn thân hình càng ngày càng mũm mĩm; lười đọc sách sẽ tước đi cơ hội thăng tiến ở nơi làm việc của bạn và trả cho bạn mức lương bèo bọt…
Như Zweig đã nói: Khi bạn còn quá trẻ, bạn không hề biết rằng tất cả những món quà mà số phận trao cho mỗi người đã được định giá bí mật. Thật vậy, không có gì trên đời là miễn phí cả. Vậy nên, muốn có được thứ mình muốn thì phải trả giá bằng mồ hôi, công sức thậm chí là máu và nước mắt.
Có một chủ đề nóng trên mạng xã hội rằng: “Khả năng cốt lõi của con người khi còn trẻ là gì? Câu trả lời hay nhất đó là khả năng trì hoãn sự hài lòng. Trì hoãn sự hài lòng nghĩa là quyết định từ bỏ sự hài lòng trước mắt, nỗ lực hơn nữa để giành được thứ có giá trị hơn và tôi luyện khả năng tự kiểm soát bản thân trong khi chờ đợi.
Vào cuối những năm 1960 tại trường mẫu giáo Bing của đại học Stanford, một số trẻ mẫu giáo (khoảng 3-5 tuổi) được chọn tham gia một nghiên cứu. Các em được đưa vào phòng trống hoặc ngồi ở bàn với một trong hai sự lựa chọn: có ngay lập tức một viên kẹo dẻo marshmallow, hoặc có hai viên kẹo nếu chờ đến khi người thí nghiệm lấy thêm kẹo từ phòng khác. Marshmallow là một loại kẹo làm từ đường, nước, gelatine có hình khối vuông, dẻo và mềm xốp như bông gòn. Có phải hầu hết trẻ sẽ xem điều đầu tiên là ngu ngốc và chọn chờ đợi để có hai viên kẹo?
Trong thí nghiệm thực tế, người ta để các trẻ ở lại một mình trong phòng lâu tới 15 phút hoặc tới khi chúng nếm viên kẹo. Thời gian các trẻ “chịu đựng” mà không thử phần thưởng quyến rũ trước mặt chúng có khác nhau. Các nghiên cứu sau này cho thấy chúng càng chờ lâu thì số phận tương lai của chúng càng tốt hơn về các mặt xã hội, cảm xúc và học vấn. Các thí nghiệm khác cũng cho ra những mẫu tương tự: Những người chứng tỏ được mình tự chủ tốt hơn trong thời thơ ấu đều giàu có hơn, khỏe mạnh hơn và tuân thủ luật tốt hơn khi trưởng thành.
Có một nhận định rằng: “Hơn một nửa số vấn đề trong cuộc sống bắt nguồn từ việc tự hài lòng quá sớm. Vậy nên, trì hoãn sự hài lòng có nghĩa là tạm quên sự thoải mái nhất thời, đối mặt với vấn đề hiện tại và cảm nhận nỗi đau, sự khó khăn và tìm cách vượt qua; sau đó, giải quyết vấn đề và tận hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Đây là cách sống khả thi nhất.
Không ai có thể đạt được thành công dễ dàng trong một sớm một chiều. Những người càng xuất sắc, họ càng hiểu rõ chân lý rằng phải đi qua đau khổ, đắng cay mới hái được quả ngọt, họ thường sẵn sàng im lặng chờ đợi lâu hơn để đổi lấy hạnh phúc, dồi dào hơn.
Sống vị tha
Kazuo Inamori nói: Trong cuộc đời đầy rẫy tư lợi, vị tha người khác sẽ mãi trường tồn. Những người tôn trọng người khác thì sẽ luôn được người khác tôn trọng và những người yêu thương người khác thì sẽ luôn được yêu thương. “Cái gọi là “lòng vị tha” có nghĩa là suy nghĩ và giải quyết vấn đề từ quan điểm của đối phương.
Những người có EQ cao thường giỏi vị tha và những người có EQ thấp thường giỏi tư lợi. Và mức độ của trí thông minh cảm xúc đến từ trò chơi của tư duy vị tha và tư lợi.
Người vị tha coi trọng lợi ích lâu dài, sẵn sàng giúp đỡ và cung cấp giá trị cho người khác thì những người mang ơn anh cuối cùng sẽ trả lại cho anh ta nhiều hơn của cải ban đầu anh giúp họ.
Cuộc sống hiện đại ngày càng bị trói buộc bởi những ham muốn vật chất, nhiều người nghĩ rằng càng cố nắm thật nhiều thứ trong cuộc sống, thì họ sẽ càng thành công và hạnh phúc. Nhưng thực ra không phải vậy. Nếu bạn muốn thỏa mãn nhu cầu của riêng mình, cố ôm lấy quá nhiều thứ bạn thực sự muốn, bạn sẽ rất mệt mỏi và kiệt sức. Bỏ bớt những thứ bạn không thực sự cần hoặc những thứ không đáng và làm những việc thực sự quan trọng đối với bản thân. Tha thứ cho những người đã cố tình làm điều sai trái với bạn, không hẳn chỉ để người đó nhẹ lòng mà là để tâm bạn bình lặng hơn mà thôi.
Hãy tập thay đổi tư duy và nhìn nhận vấn đề của bạn theo từng khía cạnh khác nhau. Một khi cách suy nghĩ của bạn thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trải qua những thay đổi về chất. Nắm vững cách suy nghĩ đúng đắn sẽ không bị lãng phí thời cơ hoặc vụt mất cơ hội thành công.
Từ hôm nay, hãy cố gắng thay đổi suy nghĩ của bạn, trân trọng những thứ và những người xung quanh, biết thế nào là đủ và bớt ôm đồm mọi thứ. Hãy thử nghĩ về những gì khác có thể mất nếu bạn cố nắm chặt nhiều thứ, cuộc sống có thể mang đến cho bạn những điều bất ngờ khác nhau. Hy vọng bạn và tôi có thể trở thành những người như mình mong muốn.
– Theo Tịnh Kỳ –