Từ nhỏ, chúng ta luôn được dạy rằng không nên nói chuyện mà chưa suy nghĩ kỹ càng, kiệm lời càng tốt, người khiêm tốn mới là thông minh. Bởi vì càng nói nhiều thì càng dễ gây ra rắc rối và hết 90% mâu thuẫn trên thế giới này đều xuất phát từ lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Nhưng vẫn có một số người không biết kiểm soát bản thân và cho rằng mình có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác bằng cách nói chuyện nhiều hơn. Kết quả luôn phản tác dụng, đôi khi lời nói vô ý cũng có thể dẫn đến hàng loạt tai họa.
Đặc biệt là 3 điều sau đây, hãy cứ giữ trong bụng và đừng bao giờ nói ra:
1. Chuyện xấu xí trong nhà
Tục ngữ có câu: “Chuyện xấu ở nhà, đừng ra ngoài mà nói”.
Mọi chuyện trong gia đình phải được giữ bí mật, kể cả với những người thân thiết nhất. Mặc dù đạo lý này ai cũng hiểu nhưng vẫn luôn có những người không thể kiểm soát được bản thân.
Đôi khi sau một cuộc cãi vã, trong người đầy bất bình và nóng lòng muốn tìm ai đó để trút giận. Đây là một chuyện cực kỳ bình thường, gia đình nào cũng sẽ có những mâu thuẫn to nhỏ.
Nhưng những người thông minh thường tự giải quyết và giữ trong lòng. Bởi vì họ biết rằng dù mối quan hệ tốt đẹp đến mấy thì trên đời này cũng không có sự đồng cảm thật sự. Hơn nữa, mang ra những điều tiêu cực về gia đình mình chỉ “rước nhục vào thân, mang họa về nhà”.
Đó là còn chưa kể đến trường hợp chuyện gia đình của bạn sẽ trở thành chủ đề bàn tán sau lưng người khác, thành mục tiêu chế nhạo của họ. Miệng truyền miệng, đôi khi điều không có gì lại trở thành chuyện động trời không thể tin được.
Vì vậy, im lặng là vàng. Bạn nên biết: Dưới đáy bếp của mỗi nhà đều có tro tàn, cách tốt nhất để xử lý chuyện xấu trong gia đình là đóng cửa lại và tự mình giải quyết.
2. Chuyện riêng tư của con cái
Nhiều bậc cha mẹ rất tự hào về con cái nên thích nói về con mình với hàng xóm láng giềng, bạn bè, người thân. Nào là công việc tiền lương, nào là công danh tài phú… Cái nào hơn người thì cứ việc mang ra khoe khoang; cái nào không tốt thì chê bai không ngớt.
Trên Zhihu có một chủ đề được bàn luận sôi nổi: Cha mẹ luôn thích kể cho người ngoài nghe về mình là loại trải nghiệm gì? Nhiều người cho biết họ cảm thấy không được cha mẹ tôn trọng, không có sự riêng tư.
Thực ra trong lòng mỗi người đều có một góc nào đó mà họ không muốn bị người ngoài đặt chân vào.
Những chuyện riêng tư của con cái, nhất là những điều nhạy cảm hoặc vấn đề chưa được giải quyết sẽ chỉ tạo thêm rắc rối không đáng có cho họ.
Vì vậy, nếu con đã tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ thì cha mẹ cũng nên tôn trọng quyền riêng tư của con, không được tùy ý vượt quá giới hạn và coi chuyện riêng tư của con là chủ đề trò chuyện giữa hàng xóm, họ hàng.
Chỉ khi biết tôn trọng các thành viên trong gia đình, giữ nề nếp, không tọc mạch với bên ngoài và thấu hiểu lẫn nhau thì gia đình mới hòa thuận, hạnh phúc.
3. Chuyện tiền bạc, thu nhập
Thu nhập gia đình luôn là một chủ đề nhạy cảm, nói nhiều sẽ sinh ra đố kỵ, nói ít sẽ sinh ra kỳ thị.
Nhưng thường có một số người dại dột thích khoe gia thế, khoe khoang sự giàu có trong nhà. Để có thể diện với người ngoài, có năng lực trước mặt người nhà, đi đâu cũng nghe được lời nịnh nọt của người khác và được thừa nhận và đánh giá cao.
Luôn chìm đắm trong sự phù phiếm, bạn thường bỏ qua rằng bản chất con người không đơn giản như vậy. Song mọi lời xu nịnh không phải tự nhiên mà có, mà là đối phương muốn dựa vào điều gì đó ở bạn, bao gồm cả tiền bạc và danh tiếng.
Một khi những điều này bị người khác nhắm tới thì rất dễ gặp rắc rối. Và người thông minh thường “tài không lộ, phú không kêu”. Bởi lẽ ho hiểu rằng nếu đã giàu thật sự thì không cần phải trang hoàng bề ngoài lộng lẫy. Đồng thời, mọi sự khoe khoang chỉ là phù phiếm, cho dù tài sản cũng thật sự là của mình.
Người ta có câu: “Ở chung với nhiều người, hãy giữ mồm giữ miệng; ở một mình, hãy giữ vững tâm can, đừng bao giờ nói những điều không nên nói. Phải biết rằng họa từ miệng mà ra, nói nhiều ắt mắc sai lầm”.
Đồ càng bắt mắt thì kẻ ác càng thèm muốn, mất đi càng nhanh; đồ càng tầm thường thì kẻ xấu càng khó tìm ra, tự nhiên sẽ an toàn hơn.
– Theo Trung Hạ –