Phú quý tại miệng, người khôn ngoan, khéo ăn nói là người dễ tạo được thiện cảm trong mắt người khác. Họ cũng sẽ tạo dựng được mạng lưới quan hệ rộng mở, bền chắc. Điều này mở ra khả năng tiếp cận được nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp cũng như đạt được thành tựu trong cuộc sống.
Do đó, kỹ năng giao tiếp đã trở thành một nhân tố không thể thiếu đối với mỗi người.
Trước kia, trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều nhân vật kỳ tài, tiếng tăm lẫy lừng. Trong đó, một nhân vật với tài ngoại giao, đa mưu túc trí, không thể bỏ qua chính là Quỷ Cốc Tử. Người thế gian công nhận, ông là thủy tổ của Tung Hoành Gia (một học phái trong Cửu Lưu thập gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc). Ông còn là sư phụ của nhiều đệ tử tài giỏi xuất chúng như Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên… Cho nên, thế nhân nhiều đời đều ca ngợi ông là bậc kỳ tài.
Trong những kinh nghiệm mà Quỷ Cốc Tử để lại, ông từng chia sẻ 3 công thức giao tiếp quý giá. Nếu bạn không biết giỏi giao tiếp, hãy nhớ và áp dụng ba công thức này, nửa sau cuộc đời bạn sẽ chuyển bại thành thắng và ngày càng tốt hơn!
Thứ nhất: Nói chuyện với người có thân phận địa vị, phải giữ lòng tự tin
Trong lịch sử, những người có thân phận địa vị thường là các vị quan lại, của cải giàu có, hoặc gia tộc sang quý. Những người này được hun đúc trong một nền giáo dục đặc biệt từ thuở nhỏ, tạo ra khí chất của một “quý nhân”.
Trong thời hiện đại ngày nay, đó là những người gia cảnh sung túc, có học vấn, hiểu lễ nghĩa, đạt được nhiều thành tựu. Họ có bề dày thành tích đáng để kiêu ngạo, cũng đã kinh qua đủ chuyện trên con đường sự nghiệp nên có sự sắc sảo đáng nể
Do đó, khi đứng trước mặt những người như vậy, người thường sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát hơn, thậm chí nhiều người còn e ngại đến nỗi không nói nổi nên lời.
Tuy nhiên, theo bậc thầy Quỷ Cốc Tử, muốn thể hiện giá trị bản thân thì đó là việc hoàn toàn không nên làm.
Trong tương tác công việc, việc gặp phải những người có địa vị cao hơn mình là điều không thể tránh khỏi, hãy nhớ phải tự tin khi đối phó với họ. Bạn không nên thái độ xu nịnh, cũng không tự mãn kiêu ngạo, giữ bản thân ở mức độ lịch sự, thoải mái và bình tĩnh. Như vậy, dù đối phương là ai, họ cũng sẽ dành cho bạn sự tôn trọng nhất định.
Thứ hai: Nói chuyện với người khôn ngoan, hãy chân thành
“Người khôn ngoan” ở đây dùng để chỉ người thông minh hoặc người có kiến thức, am hiểu sâu rộng. Dù bạn chưa nói hết, họ đã hiểu ý và có thể phát triển thêm gấp mười phần. Khi giao tiếp với những người như vậy, họ “biết tuốt” đến mức khiến đôi khi bạn sinh ra cảm giác bản thân thật kém cỏi. Cũng chính vì họ quá thông thái nên bạn cũng có cảm giác bị nhìn thấu nội tâm.
Những cảm giác này đều không mấy dễ chịu. Cách đơn giản nhất để đối mặt với họ chính là đối xử thật chân thành. Bạn không ôm toan tính, ôm tìm cách thể hiện, hãy cứ nói đúng lòng mình và thể hiện thiện ý của bản thân. Đối phương sẽ đủ khôn ngoan để nhận ra điều đó, chấp nhận thiện ý của bạn và cũng hành xử tương tự.
Còn những người vụ lợi, muốn giở trò, tìm cách lợi dụng để mưu cầu điều riêng thì khó có thể thoát khỏi mắt những người khôn ngoan. Dù họ không nói ra, nhưng họ sẽ sớm xa cách về mặt tâm lý.
Thứ ba: Nói chuyện với tiểu nhân, tránh xa tiền bạc
“Tiểu nhân” bao hàm rất nhiều nội dung, không chỉ là những “tiểu nhân” trong thương trường mà còn là những người tiểu nhân có quan hệ làm ăn, công việc với họ. Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp dù không ưa thích gì nhau, chúng ta vẫn phải tay bắt mặt mừng. Dù biết rõ đối phương không phải người tốt đẹp, thiện lương nhưng bạn vẫn phải giao du tiếp xúc.
Khi ở vào tình huống đó, chỉ có thể cẩn trọng từng lời nói và hành động, đặc biệt không nên nhắc tới tiền bạc hay lợi ích. Điều đó có thể khiến tiểu nhân sinh lòng đố kỵ, ganh ghét, hoặc tìm cách lợi dụng bạn để mưu cầu lợi ích cho bản thân họ.
Ba công thức trên là những điều hàm súc được đúc kết từ chính kinh nghiệm cuộc sống. Nếu học thuộc ba công thức này và có thể áp dụng vào cuộc sống, bạn sẽ dần dần tiến bộ hơn trong cách giao tiếp hàng ngày.
Đặc biệt, bạn cũng nên phân biệt rõ, điều gì nên nói, điều gì không nên nói
Đối với ba điều sau đây, thà im lặng còn hơn nói ra:
Thứ nhất: Lời nói điên rồ và ngông cuồng. Điều này rất dễ hiểu vì từ xưa, dân gian đã có câu “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, ám chỉ những người thường nói chuyện đao to búa lớn, nhưng hành động thực tế thì chẳng được bao nhiêu. Tuýp người này thường luôn bị những người xung quanh coi thường.
Thứ hai: Không nói quá nhiều lời phàn nàn, đặc biệt là với người khác và với người lạ. Đừng biến người khác thành “thùng rác” để bạn xả hết những cảm xúc tiêu cực và thái quá.
Thứ ba: Dối trá và vô nghĩa. Những người nói nhảm và vô nghĩa trong thời gian dài chắc chắn sẽ làm mất lòng tin của mọi người, không ai muốn lắng nghe.
– Theo Toutiao/Thúy Phương –