3 chữ ngắn gọn chứa đựng triết lý kinh doanh nghìn đời của người Nhật

Có hàng trăm các đầu sách về triết lý kinh doanh của người Nhật, thậm chí họ còn có đạo kinh doanh, gọi là Đinh nhân đạo, một trong rất nhiều những “đạo” như Kiếm đạo, Trà đạo, Hoa đạo, Võ sĩ đạo… ở đất nước của Thần đạo này. Nhưng dù có đọc bao nhiêu cuốn sách, tìm hiểu biết bao bí quyết tạo nên sự thành công của doanh nghiệp Nhật, những gì tóm tắt lại, lại chẳng có gì bất ngờ, gói trọn trong 3 chữ: SỰ TỬ TẾ.
 
Ishida Baigan (1685 – 1744), thương nhân tiêu biểu của Kyoto, từ một chủ tiệm trở thành nhà tư tưởng kinh tế, đã truyền bá rộng rãi tư tưởng “lao động dựa trên cốt lõi của sự tử tế”. Ông là ông tổ của “Tâm học Thạch Môn” (nghĩa là học về cái tâm), đồng thời đưa ra thuyết Đinh nhân đạo – đạo của thị dân. Thuyết này cho hay: Kinh doanh là con đường để mọi người lao động tu dưỡng tinh thần, hoàn thiện bản thân.
 
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Con đường của một thương nhân chân chính nằm ở lòng thành làm nên những sản phẩm vừa tốt vừa rẻ”.
 
Đạo của người kinh doanh theo Đinh nhân đạo thể hiện thành 3 đức (tiết kiệm trong việc sử dụng tài nguyên quốc gia; Tiết kiệm trong chi tiêu cho bản thân; Cần cù, sáng tạo) và 2 nghĩa (Chính trong kinh doanh sản xuất; Trực trong giao dịch thương mại). Về luân lý, nên tránh tửu, sắc, cờ bạc để dành thì giờ và tiền bạc cho sáng tạo và kinh doanh.
 
Inamori Kazuo, nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, hãng điện thoại KDDI, nguyên Chủ tịch Japan Airlines trong cuốn sách của mình đã cho biết, ông hoàn toàn tuân theo triết lý kinh doanh của “Samurai chân chính cuối cùng” – Saigo Takamori. Theo đó, ông phủ định tuyệt đối lợi ích cá nhân, và cho rằng: chỉ cần mỗi người dẹp bớt lòng tham của mình, chịu tổn thất một chút, hay chỉ cần chúng ta dũng cảm nhường chút lợi của mình cho người khác, mọi việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy. Chỉ cần thay đổi từ “vị kỷ” (chỉ biết có mình) sang “vị tha” (vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội), ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp. Nếu không có tấm lòng trắc ẩn, sự tử tế trong hành xử, chắc chắn không thể có được hành động như vậy.
 
– Theo Linh Ngọc –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *